ĐẦU NGÓI ỐNG
-
Đầu ngói ống là hiện vật văn hóa Champa, bằng chất liệu đất nung, có niên đại khoảng thế kỷ IV – V, được phát hiện trong hố khai quật khảo cổ di tích Thành Hồ (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) năm 2008. Hiện vật có dạng hình tròn, đường kính 16,5cm, phần ống bị vỡ gần hết, riêng phần mặt ngói trang trí mặt hề còn nguyên. Khuôn mặt thể hiện đầy đủ các bộ phận. Trán có u nổi giống con mắt thứ 3 thần Siva. Chân mày tụ lại nhô cao và rậm. Mắt to, dài, lồi ra như đang nhìn xuống. Tai to, dài, mỏng. Gò má thấp chảy dài hai bên. Mũi to, thô, cao. Miệng rộng, môi dày, răng thưa. Còn nhận thấy được dấu vết kỹ thuật làm bằng tay, phần khuôn mặt và phần ống được làm riêng biệt.
Đầu ngói ống là loại hình vật liệu sử dụng để trang trí diềm mái cho các công trình kiến trúc. Công năng chủ yếu của đầu ngói ống là tạo ra giá trị thẩm mỹ cao cho công trình, đặc biệt là những công trình lớn trong các trung tâm thành lũy, những khu vực cư trú quan trọng và mang tính ổn định. Chính vì vậy, đầu ngói ống thường được trang trí đẹp với nhiều hình thức khác nhau như mặt hề, mặt sư tử, mặt kala, hoa sen,… Loại hình này được các nghệ nhân Champa xưa thể hiện một cách chi tiết, sinh động qua từng hiện vật. Mỗi đầu ngói ống thể hiện sự sáng tạo và tư duy thẩm mỹ cao, biểu đạt rõ giá trị tinh thần, tạo ấn tượng sâu sắc.