BỘ CHE ÉP MÍA
-
Bộ che ép mía là công cụ tiêu biểu đặc sắc của nghề làm mía đường, một nghề thủ công truyền thống hình thành từ lâu đời, rất phổ biến ở vùng trung du và miền núi Phú Yên. Hiện vật được chế tạo năm 1976, bằng vật liệu gỗ. Bộ che gồm các bộ phận chính hợp thành là trục che và mâm che.
Trục che gồm một trục cái dựng ở giữa và hai trục con dựng hai bên. Đầu trục cái nhô cao hơn hai trục con, có lỗ tròn để đặt một thanh gỗ xuyên qua, làm điểm buộc dây nài gắn với cần che. Cần che là một đoạn gỗ thẳng chắc, một đầu nối với trục cái, đầu còn lại buộc vào vai bò hoặc trâu để kéo vận hành trục che. Bao quanh phần thân của mỗi trục che có tạo các nhông, khi quay các nhông chuyển động ăn khớp vào nhau và làm cho cả ba trục che đều quay.
Mâm che gồm có mâm trên và mâm dưới, là hai tấm gỗ có kích thước tương đồng. Mâm trên đặt bên trên ba trục che tương ứng với ba lỗ tròn để giữ cố định phần đầu của trục che. Mâm dưới có cấu tạo lõm, đặt dưới chân ba trục che, có ba khớp tròn để cố định chân trục che, đồng thời có hai đường rãnh ở hai bên để dẫn nước mía chảy đến dụng cụ hứng trong quá trình ép mía.
Để chế tạo bộ che ép mía thủ công, người thợ phải có kinh nghiệm, am hiểu nghề làm mía đường, có sự tính toán chính xác và kỹ thuật đục chạm khéo léo để các nhông che ăn khớp vào nhau khi vận hành, giúp bộ che chuyển động đồng bộ, trơn tru; mặt khác cần lựa chọn loại gỗ tốt, có độ bền cao để làm che vì khi sử dụng bộ che thường xuyên chịu lực tác động lớn. Che ép mía thủ công được sử dụng đến khoảng đầu thập niên 90 thế kỷ XX thì bắt đầu được thay thế dần bởi che máy.