TRỤ GỐM TRANG TRÍ KIẾN TRÚC

TRỤ GỐM TRANG TRÍ KIẾN TRÚC

  • Trụ gốm là hiện vật văn hóa Champa, bằng chất liệu đất nung, có niên đại khoảng thế kỷ III – IV, được phát hiện trong hố khai quật khảo cổ di tích Thành Hồ (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) năm 2008. Hiện vật có kích thước cao 32,5cm, đường kính 11cm, trọng lượng 3,36kg. Trụ gốm có dạng hình ống, phần đầu tạo hình búp sen nhọn; thân hình trụ tròn, thắt nấc nhiều tầng trông giống như hình tháp Phật; phần chân hình khối trụ tròn, đáy phẳng, bên ngoài trụ được chau chuốt phẳng nhẵn, thu nhỏ dần lên trên; bên trong trụ gốm khoét rỗng.

    Trụ gốm được chế tác bằng kỹ thuật thủ công, hình thức hài hòa cân xứng, xương gốm mịn, chắc, được nung ở nhiệt độ cao. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đất nung đẹp, thanh nhã, được sử dụng trang trí trên bờ nóc kiến trúc hoặc bờ xiên nóc bộ mái, tạo nên giá trị thẩm mỹ của công trình. Trong đợt khai quật Thành Hồ năm 2008, đã phát hiện 64 hiện vật cùng loại hình này, trong đó có 5 hiện vật còn nguyên vẹn. Các hiện vật này nằm nguyên vị trí trong bộ mái bị sập xuống. Có một hiện vật bị vỡ còn phần thân hình trụ, trong lòng trụ còn gắn nguyên một đinh gốm. Chi tiết này cho thấy rõ kỹ thuật gắn bộ phận trụ gốm vào mái kiến trúc. Đây cũng là tư liệu chính xác cho biết mục đích và công năng sử dụng của loại hình trụ gốm.

Hiện vật khác