CỐI XAY LÚA
-
Cối xay lúa là công cụ dùng để xay tách vỏ trấu từ hạt lúa để lấy hạt gạo bằng phương pháp thủ công truyền thống. Đây là loại công cụ được sử dụng phổ biến trong các gia đình người Việt ở nông thôn Phú Yên xưa. Đến khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ XX trở về sau, công cụ này ngày càng ít được sử dụng rồi bỏ hẳn vì đã có máy xay xát hiện đại thay thế. Cối xay lúa được làm bằng vật liệu chủ yếu là tre, gỗ và đất sét, với cấu tạo gồm 3 phần chính: thớt trên, thớt dưới, đế cối.
Thớt trên là nơi chứa thóc để xay, là bộ phận được điều khiển quay tròn khi xay lúa, đối xứng hai bên là tay xay có đục lỗ để móc giằng xay. Thớt dưới được đặt cố định, có vành chứa để hứng thóc gạo văng ra trong quá trình xay. Mặt dưới của thớt trên và mặt trên của thớt dưới có các đường rãnh nhỏ được tạo bởi những mảnh dăm được làm bằng gỗ hoặc tre già tạo thành răng, với mục đích tạo bàn nghiền khi vận hành. Kết nối giữa hai thớt là một chốt đứng ở vị trí trung tâm, chốt được lắp cố định vào thớt dưới, có tác dụng định vị thớt trên khi quay. Đế cối là một giá đỡ có 4 chân được làm bằng gỗ, tạo thế đứng vững chắc. Giằng xay được làm bằng một đoạn gỗ, một đầu được móc vào tay xay, đầu còn lại có tạo thanh ngang để cầm điều khiển khi xay lúa.
Một chiếc cối chất lượng tốt có các thớt tròn đều, răng cối đều và bền chắc, chạy êm khi vận hành, hạt thóc còn sót chưa được bóc vỏ trong khi xay có tỉ lệ không đáng kể. Để làm được cối tốt, người thợ làm cối phải có tay nghề giỏi, kỹ thuật thành thục, có kinh nghiệm trong lựa chọn và xử lý vật liệu. Cối xay lúa là công cụ điển hình của nghề nông, là một sản phẩm sáng tạo độc đáo của người xưa, lưu giữ những ký ức tốt đẹp về đời sống sinh hoạt trong mỗi gia đình, trở thành di sản văn hóa của dân tộc.