BỒ CÓT
-
Bồ cót là vật dụng gần gũi, quen thuộc của nhà nông, với công dụng chứa đựng, bảo quản, dự trữ lúa hạt hoặc các loại lương thực sau mỗi vụ mùa. Nông sản sau thu hoạch được phơi khô, làm sạch, rồi đưa vào các chiếc bồ cót đặt ở góc nhà để bảo quản cẩn thận, tránh chuột bọ, côn trùng phá hoại, và dùng dần cho đến vụ mùa sau. Bồ cót có dạng hình trụ tròn, cao 103cm, đường kính miệng 48cm, đường kính đáy 44cm, bên trên có nắp đậy. Bồ được đan bằng nan tre, có trét lớp đất sét mỏng phủ kín các kẽ nan, nhằm giữ ổn định môi trường bảo quản bên trong và ngăn chặn các yếu tố gây hại từ bên ngoài.
Trước đây, ngoài chiếc bồ cót, ở nông thôn Phú Yên còn có một loại bồ đựng lúa rất thông dụng, đó là bồ cuốn. Bồ cuốn phổ biến hơn bồ cót vì tính tiện dụng, và việc đan bồ cuốn đơn giản hơn, chỉ cần nan tre, không cần vật liệu nào khác. Tuy nhiên, để bảo quản lương thực được lâu dài, nhất là các loại dễ bị hư hỏng thì bồ cót mang lại hiệu quả cao hơn. Chiếc bồ cót phát huy công năng sử dụng trong suốt thời gian dài cho đến khi các loại đồ đựng hiện đại ra đời và thay thế, là hình ảnh phản chiếu đời sống sinh hoạt của người xưa, mang giá trị văn hóa đặc trưng của những vùng quê nông nghiệp.