SÚNG THẦN CÔNG
-
Súng thần công được phát hiện ngày 11/4/2014, tại khu phố Tân Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tân Thạnh là một địa danh cổ nằm bên bờ Vũng Lắm trong vịnh Xuân Đài. Trong lịch sử, Vũng Lắm hay còn gọi là Vịnh Lâm là một thương cảng lớn, có vị trí rất quan trọng trong hoạt động giao thương giữa Phú Yên với bên ngoài, và là vị trí chiến lược về mặt quân sự, nơi diễn ra nhiều cuộc giao tranh ác liệt trong thời kỳ chiến tranh giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh cuối thế kỷ XVIII.
Súng được đúc bằng hợp kim gang và sắt, có dạng hình trụ tròn, thu nhỏ dần từ đuôi súng đến miệng nòng. Kích thước, dài 188cm, đường kính đuôi súng 33cm, đường kính miệng nòng 21cm (phủ bì), 11cm (lọt lòng). Thân súng có hai chốt súng (trục quay) dùng để cố định súng trên giá đỡ hoặc để lắp vào các bánh xe khi di chuyển. Các chốt súng bố trí đối xứng nhau qua thân súng. Chốt súng có dạng hình trụ tròn, đường kính 10cm. Khoảng cách từ chốt súng đến miệng nòng 90cm. Phía sau đuôi súng có núm hình cầu, có quai súng hình vòng cung. Cuối đuôi súng có đúc một khối nổi, trên mặt khối nổi có lỗ điểm hỏa rộng 1cm, đã bị nêm kín bằng một thanh kim loại. Trên thân súng có đúc nổi biểu tượng hình vương miện cùng 3 ký tự viết tắt bằng chữ La tinh là EOL và số 10. Khi phát hiện bên trong khẩu súng còn 1 viên đạn bằng kim loại có đường kính 11,4cm và trọng lượng 4,2 kg.
Căn cứ vào đặc điểm hiện vật, có thể xác định khẩu súng thần công này có xuất xứ từ châu Âu, được chế tạo vào khoảng thế kỷ XVIII. Từ vị trí phát hiện cho thấy nhiều khả năng khẩu thần công được sử dụng trong thời kỳ giao tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Súng có hiện tượng bị vô hiệu hóa khả năng sử dụng vì lỗ điểm hỏa bị nêm, tán chặt bằng thanh kim loại, trong khi bên trong nòng súng còn đạn. Căn cứ vào hướng quay (song song với bờ vịnh) và trạng thái súng khi phát hiện cho thấy súng không nằm trong tư thế phòng thủ, đây có thể là vũ khí của bên thua trận bỏ lại.