BỘ BÀN NGHIỀN
-
Bộ bàn nghiền là hiện vật văn hóa Champa, được phát hiện tại xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên năm 2006. Bộ bàn nghiền có niên đại khoảng thế kỷ XI – XII, được chế tác bằng chất liệu đá sa thạch hạt mịn, gồm hai bộ phận hợp thành, bàn nghiền và chày nghiền.
Bàn nghiền có kích thước: rộng 15cm, dài 41,5cm, cao 14cm. Bề mặt bàn nghiền mài nhẵn, hình cánh sen, mép phía trước có mũi nhô ra 1,5cm, mép phía sau cũng có một núm nhỏ nhô ra ngoài. Mặt cắt ngang của bàn nghiền có hình bán nguyệt. Đế bàn nghiền có dạng hình khối chữ nhật, phía chân đế hơi choãi ra, tạo cho hiện vật có thế đứng vững chắc. Chày nghiền có hình trụ tròn, dài 27cm, đường kính 4,5cm, mặt ngoài nhẵn, hai đầu có vết xước của dấu sử dụng.
Bộ dụng cụ này được người Chăm sử dụng để nghiền gia vị trong chế biến thức ăn, nghiền nguyên liệu trong bào chế thuốc và dùng trong một số nghi lễ tôn giáo.