TƯỢNG NGỰA
-
Tượng ngựa là tác phẩm điêu khắc đá thuộc văn hóa Champa, phát hiện tại di tích Núi Bà, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên năm 1993. Ngựa thể hiện dạng tượng tròn nhưng đã bị vỡ chỉ còn phần vai trở về phía trước. Ngựa có mõm ngắn, hai lỗ mũi to và sâu, hai mắt tròn lồi. Tai vểnh, tai trái bị sứt, tai phải chỉ còn lại một phần. Cổ thon, quanh cổ đeo vòng lục lạc. Hai chân trước ngắn thể hiện hình khối đơn giản. Trên lưng có yên nhô cao. Phần từ vai trở về sau bị gãy, nhưng căn cứ vào dấu tích còn lại có thể phỏng đoán phần sau của tượng ngựa là một khối đá hình chữ nhật. Có thể đây là một hiện vật trang trí trên công trình kiến trúc mà phần sau chính là phần cắm vào kiến trúc. Nhìn chung, tuy chỉ thể hiện phần trước nhưng đây là một tượng ngựa được chế tác cẩn thận, hình khối sống động.
Trong nghệ thuật Champa, hình tượng ngựa ít được thể hiện hơn so với hình tượng những con vật thiêng khác như voi, bò, sư tử, rắn... Tuy vậy, hình tượng ngựa lại có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu về đời sống văn hóa, nghệ thuật điêu khắc và xã hội Champa xưa. Về mặt tạo hình, ngựa được thể hiện đơn giản hơn những con vật khác, nhưng cũng đã hình thành nên một phong cách điêu khắc ngựa riêng biệt dưới cái nhìn của các nghệ nhân Champa, góp phần làm phong phú nền nghệ thuật điêu khắc Champa.