TƯỢNG CHIM THẦN GARUĐA
-
Tượng chim thần Garuđa là tác phẩm điêu khắc đá thuộc văn hóa Champa, phát hiện tại di tích Núi Bà, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên năm 1993. Hiện vật được chế tác để gắn trên công trình kiến trúc, có niên đại khoảng thế kỷ XIV. Trong Ấn Độ giáo, Garuđa được coi là vua của các loài chim, là vật cưỡi của thần Vishnu, là kẻ thù của rắn Naga. Hình tượng Garuđa gắn liền với thần Vishnu, nhưng ít được khắc tạc chung.
Garuda được thể hiện dạng tượng tròn, có mỏ ngắn, to khỏe, đầu mỏ nhọn và hơi quặp xuống. Mắt tròn, lồi hẳn ra phía ngoài. Mào có ba lớp, trong đó, lớp trên cùng vươn cao rồi quặp về phía trước. Cổ có hai lớp lông. Ngực tròn căng, ưỡn về phía trước. Hai cánh vươn cao về hai phía, mỗi cánh phân thành ba nhánh. Từ hai cánh mọc ra hai cánh tay như tay người, cánh tay tròn, bàn tay nắm chặt nhưng ngón cái để thẳng. Phần chuôi để gắn vào kiến trúc có tiết diện hình chữ nhật 10 x 13 cm, dài 19cm.
Đây là tác phẩm điêu khắc được chú trọng tỉ mỉ về đường nét kết hợp với hình khối nổi, tạo ra một chim thần hùng dũng, oai vệ và đầy tính huyền thoại.