PHIẾN ĐÁ CHẠM HÌNH PHẬT
-
Phiến đá chạm hình Phật là hiện vật văn hóa Champa, được phát hiện tại di tích Núi Bà (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Hiện vật được chế tác bằng đá sa thạch hạt mịn, niên đại khoảng thế kỷ VII - VIII.
Đặc điểm: Phiến đá có kích thước cao 97cm, rộng 65cm, dày 8cm. Mặt trước thể hiện hình Phật ngồi trên đài sen, phía dưới là hoa sen nở có cuống dài. Phật ngồi kiết già, hai tay bắt ấn, các ngón tay giao nhau. Phật có khuôn mặt phúc hậu, mắt mở, mũi to, miệng mím, dái tai dài đến vai. Xung quanh đầu Phật có vòng hào quang, phía trong vòng hào quang có hàng chữ chạy vòng quanh đầu. Phần thân Phật để trần, vòng eo thon, chân xếp bằng, hai tay giao nhau để lên chân. Hai bên Phật có hai hình bảo tháp, bảo tháp phía phải còn khá nguyên vẹn, chân tháp hình tròn, thân tháp có 10 tầng, chóp tháp hình tròn đã bị vỡ một phần. Bảo tháp phía trái bị vỡ nhiều hơn, phần còn lại có 7 tầng tháp. Hai bên bảo tháp phía bên phải có 3 hàng chữ khắc theo chiều dọc, phía dưới bông sen có 3 dòng chữ khắc theo chiều ngang. Ở bên mép của phiến đá cũng có các hàng chữ nhưng phần lớn đã bị vỡ. Chữ khắc trên phiến đá có 3 kiểu khác nhau, có thể được chạm ở các thời điểm khác nhau. Mặt sau phiến đá bị mòn, có khắc một hình yony có kích thước 50cm x 50cm, vòi yony rộng 16cm, dài 15cm.
Căn cứ nội dung và phong cách điêu khắc, các nhà nghiên cứu văn hóa Champa nhận định đây có thể là một hiện vật để thờ trong các ngôi đền tháp Champa theo tín ngưỡng Phật giáo và là tấm phù điêu rất hiếm thấy trong nghệ thuật điêu khắc Champa.