KÚT
-
Kút có nguồn gốc tại phế tích tháp Chăm Phú Lâm (nay thuộc phường Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa). Kút được xác định có công năng giống như bia mộ, có niên đại vào khoảng thế kỷ XIV – XVII. Kút được tạo tác trên một tấm đá cao 78cm, rộng 35cm, dày 7cm, được chạm khắc trang trí ở cả hai mặt với hình thức giống nhau và có 4 phần chính.
Phần đỉnh hình chóp cao 16cm, gồm 3 phần nhỏ; 2 phần ở dưới có đường gờ tạo thành cấp, phần trên cùng giống như một chiếc bình 4 mặt có cổ thắt, miệng loe. Phần thân có hình lá nhĩ lộn ngược, hai bên cạnh vê tròn; sát mép ngoài có chạm các đường gờ nổi; ở giữa phần thân có một đường gờ nổi chạy từ trên xuống dưới, giữa đường gờ nổi này có hai vòng tròn đồng tâm: vòng tròn ngoài có đường kính 8cm, vòng trong nổi cao hơn và có đường kính 6cm, ở 2 đầu đường gờ này có trang trí hình lá đề có chóp nhọn. Phần đế hình khối chữ nhật cao 10cm, ½ đế phía trên tạo thành 3 nấc nhỏ dần từ dưới lên, ½ phía dưới có hình khối chữ nhật các cạnh vuông. Phần dưới cùng để cố định hiện vật vào kiến trúc có mặt cắt hình chữ nhật, có kích thước 19,5cm x 6cm, dài 17cm.
Trong nghệ thuật Champa, tượng Kút là một loại hình đặc biệt, là hiện vật thờ tự độc đáo, gắn với tín ngưỡng thờ tổ tiên. Về không gian tồn tại, loại hình này chỉ xuất hiện nhiều từ Phú Yên đến Bình Thuận, đặc biệt tập trung nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận, địa bàn sinh sống chủ yếu của người Chăm hiện nay.