TƯỢNG NGỖNG THẦN HAMSA

TƯỢNG NGỖNG THẦN HAMSA

  • Tượng ngỗng thần Hamsa là tác phẩm điêu khắc đá thuộc văn hóa Champa, được phát hiện năm 1993, trong hố khai quật khảo cổ phế tích tháp Núi Bà (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Văn hóa Champa chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, vì thế hầu hết các tác phẩm điêu khắc đều có chủ đề và nguồn cảm hứng sáng tác từ các thần thoại Ấn Độ. Đó là hình ảnh các vị thần linh trong thần thoại như Siva, Brahma, Visnu… Các con vật linh thiêng như bò Nadin, chim thần Garuda, Makara, voi, ngựa… Trong hệ thống thống các vật linh, ngỗng thần Hamsa là biểu tượng của trí tuệ và cái đẹp, là vật cưỡi của thần Brahma – vị thần tối cao, đấng sáng tạo vũ trụ.  

    Tượng ngỗng thần Hamsa chế tác theo kiểu tượng tròn từ một phiến đá nguyên khối. Hiện vật có kích thước: cao 79cm, đế rộng 52cm, dày 14cm; trọng lượng 83kg. Ngỗng có mỏ to nhọn, hướng thẳng về phía trước; đầu tròn; cổ to và ngắn; cánh có hai lớp lông, lớp ngoài ngắn, lớp trong đổ về hai phía trước và sau, hướng đổ về phía trước tạo thành 3 nhánh, hướng đổ về phía sau tạo thành 5 nhánh; giữa hai nhánh có mào to khỏe vươn cao. Phần chuôi cắm vào kiến trúc có tiết diện hình chữ nhật 14cm x 18cm, dài 20cm, trên phần chuôi cắm có một đường rãnh chạy ngang có chiều rộng 5cm, sâu 4cm giống như một ngàm giữ chắc hiện vật khi gắn lên kiến trúc.

    Tượng ngỗng thần Hamsa là tác phẩm điêu khắc tiêu biểu, quý hiếm, đại diện cho phong cách nghệ thuật điêu khắc đá Champa ở thế kỷ XIV.

Hiện vật khác