PHÙ ĐIÊU KALA
-
Phù điêu Kala là tác phẩm điêu khắc đá thuộc văn hóa Champa, được phát hiện năm 1993, trong hố khai quật khảo cổ phế tích tháp Núi Bà (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Trong nghệ thuật điêu khắc Champa, Kala là một hình tượng nổi bật, một dạng biểu hiện của thần Siva – đấng hủy diệt và tái tạo vũ trụ của Ấn Độ giáo. Kala có nghĩa là thời gian, tượng trưng cho sự hủy diệt, sự chết: hủy diệt để tái tạo và chết để tái sinh. Kala là chủ đề trang trí quan trọng của kiến trúc đền tháp, được đặt trên các tầng tháp, trên mi cửa hoặc ở các phần chân tháp và các đài thờ.
Phù điêu Kala có kích thước cao 60cm, rộng 44cm, dày 17cm, trọng lượng 105,5kg. Khuôn mặt Kala được thể hiện nhìn thẳng về phía trước, có miệng rộng, 8 răng chạm nổi to, dài; râu dày, xếp thành từng đường thẳng; hai bên miệng có 3 sừng ngắn; mũi to tròn, sống mũi ngắn và gãy; hai mắt to, xếch, mi rậm, đuôi mi xoắn hình ốc; trán dô, trên trán có chuỗi hạt; bờm dày tạo thành 4 lớp. Đây là tác phẩm được chế tác công phu, đường nét tỉ mỉ và sắc sảo, bố cục hài hòa và cân xứng, hình khối nổi, làm cho khuôn mặt Kala biểu đạt rõ thần thái, tạo ấn tượng mạnh. Kỹ thuật xử lý chất liệu và kỹ thuật chế tác phù điêu Kala thể hiện một thủ pháp tạo hình riêng biệt với tư duy thẩm mỹ đạt đến đỉnh cao, tạo nên sự độc đáo về mặt hình thức của hiện vật.
Phù điêu Kala là tác phẩm điêu khắc tiêu biểu, quý hiếm, đại diện cho phong cách nghệ thuật điêu khắc đá Champa ở thế kỷ XIV.