HŨ
-
Hũ gốm Quảng Đức (xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), được chế tác bằng kỹ thuật bàn xoay, chất liệu đất nung có tráng men, trên thân còn lưu lại dấu vỏ sò. Kích thước: cao 11,5cm, đường kính thân 12,5cm; trọng lượng 460g; niên đại khoảng thế kỷ XVIII – XIX. Hũ là đồ gia dụng, dùng đựng nước trong nghi lễ và sinh hoạt.
Gốm Quảng Đức có lịch sử hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Trong thời kỳ phát triển hưng thịnh, sản phẩm gốm không chỉ được tiêu thụ tại tỉnh Phú Yên mà còn được giao thương rộng rãi đến nhiều địa bàn khác ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Nét đặc trưng của gốm Quảng Đức là phần lớn các sản phẩm gốm tráng men đều có in dấu vỏ sò. Đặc điểm này tạo sự khác biệt giữa gốm Quảng Đức với các dòng gốm khác. Nhiều ý kiến lý giải rằng, các nghệ nhân xưa đã dùng loại nguyên liệu là vỏ sò huyết đầm Ô Loan để chèn xung quanh sản phẩm gốm khi nung với mục đích làm tăng nhiệt độ lò nung, một phần vỏ sò dính vào lớp men của sản phẩm và để lại dấu vết. Kỹ thuật này hiện nay đã bị thất truyền.