TRỐNG ĐỒNG
-
Trống đồng được phát hiện tại Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa, Phú Yên vào năm 1998. Khi phát hiện, trống được chôn ở trạng thái nằm ngửa, bên trong có mộ vò nhưng đã bị vỡ. Trống có niên đại vào khoảng thế kỷ I – II trước công nguyên, là trống đồng Đông Sơn thuộc nhóm B.
Trống còn tương đối nguyên vẹn, đường kính mặt trống 63cm; đường kính chân 67cm; cao 50cm. Trống có hình lăng trụ gồm 04 phần: mặt, tang, thân và chân; tang trống hơi phình ra, nối liền với mặt trống; thân trống hình trụ tròn thẳng đứng; phần chân hơi loe thành hình nón cụt. Đồ án trang trí phong phú, đa dạng.
Chính giữa mặt trống là 1 ngôi sao 10 cánh, xen giữa các cánh là các hình chữ V lồng nhau. Bao quanh hình ngôi sao có 9 vành hoa văn tính từ trong ra ngoài. Trang trí các vành 1, 4, 7, 9 là hoa văn hình răng lược; vành 2, 3, 8 hoa văn vòng tròn chấm giữa tiếp tuyến; vành 5 hoa văn các đường gấp khúc dạng hồi văn biến thể tạo hình bình hành lồng nhau; vành 6 hoa văn chủ đạo thể hiện hình chim mỏ dài, thân và đuôi dài, đầu có mào, cách đều nhau bay ngược chiều kim đồng hồ. Ở phần tang trống trang trí 3 vành hoa văn chạy vòng, vành 1 và 3 là hoa văn răng lược, vành 2 là các vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa. Thân trống có 8 băng hoa văn bố trí theo chiều dọc, mỗi băng gồm 3 băng hoa văn nhỏ hợp thành, có hai cặp quai trang trí văn thừng tết. Chân trống choãi đều, để trơn, không trang trí hoa văn.