CHẬU KIỂNG (NẬNG)

CHẬU KIỂNG (NẬNG)

  • Chậu kiểng gốm Quảng Đức (xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), được chế tác bằng kỹ thuật thủ công, chất liệu đất nung không tráng men. Kích thước: cao 27,5cm, miệng 22,5cm x 21,5cm; trọng lượng 6.000g; niên đại khoảng thế kỷ XIX đầu XX. Chậu kiểng dùng để trồng hoa, cây cảnh trang trí trong không gian gia đình hoặc nơi công cộng.

    Chậu kiểng có thân và vành miệng hình gần vuông, bẻ góc, cổ thắt, thành miệng dày, đáy bằng có khoét 4 lỗ tròn nhỏ; xương gốm chắc, mịn. Trên thân có trang trí hình tượng cá chép hóa rồng ở 4 mặt và hoa sen ở 4 điểm bẻ góc bằng kỹ thuật khuôn in. Đề tài trang trí tượng trưng cho sự thuần khiết, thanh cao, bình an, sung túc, sự kiên trì và đạt được thành công trong sự nghiệp.

    Gốm Quảng Đức có lịch sử hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Trong thời kỳ phát triển hưng thịnh, sản phẩm gốm không chỉ được tiêu thụ tại tỉnh Phú Yên mà còn được giao thương rộng rãi đến nhiều địa bàn khác ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Gốm Quảng Đức gồm có 2 dòng sản phẩm chủ yếu là gốm không tráng men và gốm tráng men. Gốm không tráng men có nhiều loại hình như: thống, chum, chậu kiểng, bình hoa, chân đèn, cổ bồng, lư hương và nhiều loại đồ gia dụng khác,… được chế tác bằng nhiều kỹ thuật khác nhau. Đề tài trang trí trên gốm phong phú như: long, lân, quy, phụng; ngư, tiều, canh, mục; hoa sen, hoa mai; tiên ông, tùng lộc, ngựa, chim công, cá chép hóa rồng, dơi,… Nhiều loại hoa văn và hình tượng trang trí được làm bằng khuôn, sau đó đắp nổi lên sản phẩm, tạo thành các mảng hoa văn với nhiều mô típ sống động, tinh tế. 

Hiện vật khác