ĐÀI (CHÂN ĐẾ)

ĐÀI (CHÂN ĐẾ)

  • Hiện vật bằng đất nung, cao 65cm, đường kính miệng 31cm, đường kính đáy 33cm; có niên đại khoảng thế kỷ XIX đầu XX; công dụng dùng để đặt vò nước sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày tại các gia đình. Đây là một trong những sản phẩm tiêu biểu của làng nghề gốm truyền thống Phụng Nguyên, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. 

    Làng gốm Phụng Nguyên hình thành vào khoảng thế kỷ XVIII, tồn tại và phát triển đến giữa thế kỷ XX. Trong quá khứ, sản phẩm gốm Phụng Nguyên từng được sử dụng phổ biến ở khu vực phía nam của tỉnh Phú Yên, một số loại sản phẩm được các thương lái đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận. Gốm Phụng Nguyên là dòng gốm không tráng men, được sản xuất thủ công bằng nguyên liệu đất sét pha cát khai thác tại chỗ, nung bằng lò với nhiệt độ khoảng 600°C. Kỹ thuật tạo hình sản phẩm làm bằng tay trên bàn xoay, có loại sản phẩm không trang trí hoa văn và có loại trang trí hoa văn đơn giản. Hoa văn trên gốm Phụng Nguyên thường được tạo tác dạng hình học, khắc vạch lồi lõm, bố cục chặt chẽ theo quy tắc đối xứng. 

    Gốm Phụng Nguyên mang phong cách riêng thể hiện qua kỹ thuật chế tác, kỹ thuật nung, nguồn nguyên liệu làm gốm và các loại hình sản phẩm đặc sắc đã đi vào ca dao: “Phụng Nguyên làm trã, làm vung/Làm chum, làm vại, nắn thùng nắn niêu”

Hiện vật khác