KÈN ĐÁ
-
Kèn đá có nguồn gốc tại chùa Hố Thị (còn có tên là chùa Hậu Sơn), xã An Thọ, huyện Tuy An. Năm 1964, chùa Hố Thị bị cháy do chiến tranh, vị Hòa thượng trụ trì di dời hiện vật về chùa Thiền Sơn (thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An). Hiện vật được giao cho Bảo tàng Phú Yên ngày 20/02/1994.
Kèn đá có trọng lượng 34,5kg, được chế tác từ nguyên liệu đá bazan, cao 35cm, chiều rộng đáy 29cm, chiều cong của lưng 52cm; lỗ thổi rộng 1,8cm, chỗ thoát hơi mở rộng thêm 6,7cm, từ lỗ thổi đến lỗ thoát hơi dài 29cm; trên thân có một lỗ xoáy sâu vào trong 8,7cm; ở rìa xung quanh hiện vật có các vết ghè đẽo nhỏ, phần đế cũng có những nhát ghè tạo ra mặt phẳng để giữ thăng bằng cho hiện vật và khi thổi không bị rung.
Kèn đá được sử dụng bằng cách thổi trực tiếp để tạo ra âm thanh. Cách điều chỉnh âm thanh lên cao hay xuống thấp tùy vào cường độ hơi thổi mạnh hay nhẹ. Tần số âm thanh cơ bản là 333,8Hz - 323Hz - 329Hz; có thể hòa âm, phối khí với các loại nhạc cụ khác.
Kết quả nghiên cứu khoa học dưới nhiều góc độ âm nhạc, khảo cổ, địa chất đã xác định kèn đá có niên đại vào khoảng thế kỷ V trước công nguyên đến thế kỷ VII sau công nguyên. Đây là một trong hai nhạc khí cổ bằng đá thuộc bộ hơi được phát hiện ở Việt Nam đến thời điểm hiện tại, được sử dụng như một nhạc cụ sơ khai phục vụ cho đời sống tinh thần của những cộng đồng cư dân cổ từng sinh sống trên vùng đất Phú Yên.