BỘ ĐÀN ĐÁ TUY AN
-
Bộ đàn đá Tuy An được ông Huỳnh Ngọc Hồng phát hiện trong quá trình canh tác tại núi Một, thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vào những năm 1990 – 1991. Đến tháng 2/1992, bộ đàn đá được chuyển giao Bảo tàng Phú Yên.
Bộ đàn đá được chế tác từ đá riolit pocfia, gồm 8 thanh với hình thức khác nhau, được sắp xếp theo thang âm từ thấp đến cao; các thanh có độ dài từ 30cm đến 59cm, đầu lớn rộng từ 10,5cm đến 26,5cm, đầu nhỏ rộng từ 4,5cm đến 14cm; trọng lượng thanh nhẹ nhất 2,3kg, thanh nặng nhất 14kg.
Trên một số thanh của bộ đàn đá có dấu vết ghè đẽo ở rìa cạnh để định âm. Đặc biệt là ở đầu gõ tạo ra âm thanh trên tất cả các thanh đá đều có sự tu chỉnh thu hẹp, làm mỏng và đều được gia công mài nhẵn ở cả mặt trên và mặt dưới. Tại vị trí được mài nhẵn, có vết lõm hình thành do sự tác động của vật dùng để gõ, đây chính là dấu vết sử dụng của bộ đàn đá, và cũng chỉ có ở điểm duy nhất này trên mỗi thanh đá mới tạo được những âm thanh đầy đặn, vang và đẹp nhất.
Kết quả nghiên cứu của Hội đồng khoa học năm 1992 với sự tham gia của các chuyên gia lĩnh vực âm nhạc, khảo cổ học, địa chất, đã xác định: Bộ đàn đá Tuy An có niên đại vào khoảng thế kỷ V trước công nguyên, được chế tác bằng nguồn nguyên liệu đá tại chỗ, và là sản phẩm của cư dân bản địa chế tạo ra. Âm thanh của các thanh đá hội đủ các thuộc tính của một nhạc khí cổ, 8 thanh đá hợp lại tạo thành một thang âm hoàn chỉnh, đây là bộ nhạc cụ độc đáo của cộng đồng cư dân cổ từng sinh sống trên vùng đất Phú Yên.