CÂY HÓA THẠCH
-
Mẫu cây hóa thạch có dạng hình trụ tròn, dài 62cm, đường kính 23cm, được phát hiện và sưu tầm năm 1997 tại xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nơi phát hiện cây hóa thạch là vùng núi, có rừng nguyên sinh, nằm trong khu vực hoạt động của núi lửa ở cao nguyên Vân Hòa cách nay hàng triệu năm, ở độ cao khoảng 400m so với mặt nước biển. Khu vực này hội đủ các yếu tố tự nhiên để hình thành cây hóa thạch.
Mẫu vật hình thành từ thân cây cổ thụ của khu rừng nguyên sinh và dưới tác động của núi lửa phun trào. Thân gỗ bị chôn vùi trong dung nham, khi có mạch nước ngầm chảy qua lớp trầm tích làm biến đổi các khoáng chất trên tế bào của thân cây và trải dài hàng triệu năm trong điều kiện nhiệt độ và áp suất lớn, biến thân cây thành đá. Mặt khác, có thể thân cây bị chôn vùi trong dung nham chứa dung dịch Silic, thành phần này thâm nhập vào các thớ gỗ làm cho thân cây có độ cứng như đá. Đây chính là loại đá đặc biệt được hình thành từ thân gỗ, với những đường vân trên bề mặt mang sắc thái đặc thù, ngoài giá trị về địa chất còn có giá trị về thẩm mỹ, biểu hiện vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên.