CÔNG CỤ ĐÁ DI CHỈ EO BỒNG
-
Di chỉ khảo cổ học Eo Bồng thuộc xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Qua khảo sát và khai quật khảo cổ vào những năm 2000 – 2002, đã phát hiện và thu thập nhiều công cụ bằng đá thời tiền sử, gồm nhiều loại hình, được phân loại thành ba nhóm chủ yếu: nhóm mang đặc điểm của văn hóa Sơn Vi gồm có các công cụ rìa lưỡi ngang, công cụ ¼ viên cuội; nhóm mang đặc điểm của văn hóa Hòa Bình gồm có các công cụ hình bầu dục, rìu ngắn, công cụ hình đĩa; nhóm thuộc hậu kỳ đá mới gồm rìu, bôn có vai và không có vai được mài toàn thân. Khung niên đại của các nhóm hiện vật trên vào khoảng 20.000 đến 6.000 năm cách ngày nay.
Các loại hình di vật như hòn ghè, mảnh tước, hạch đá, phác vật, phế vật thu được cho thấy người nguyên thủy đã dùng nguyên liệu tại chỗ để chế tác công cụ và Eo Bồng thuộc loại hình di chỉ xưởng. Trong số di vật khảo cổ phát hiện tại Eo Bồng, nhóm di vật mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình chiếm đa số, nên Eo Bồng được các nhà khảo cổ xếp vào nhóm di tích văn hóa Hòa Bình. Cho đến nay, đây là điểm duy nhất ở Nam Trung Bộ tìm thấy các di vật thuộc văn hóa Hòa Bình, có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động nghiên cứu khảo cổ học, góp phần khẳng định không gian tồn tại của văn hóa Hòa Bình thời tiền sử.