BỘ TRANG PHỤC CỦA ĐÀN ÔNG DÂN TỘC BANA
-
Áo: Đàn ông dân tộc Ba Na ở Phú Yên thường mặc áo có nền vải màu đen, màu xanh chàm, cổ tròn, tay ngắn, thân áo ngắn. Ở giữa thân áo phía trước có lắp hàng cúc rải đều từ cổ áo đến gần biên dưới vạt áo. Hai bên hông áo có đường xẻ được viền nhiều màu, có khuy cài cúc hoặc buộc bằng sợi vải màu đỏ. Vai áo trang trí đường chỉ màu từ cổ ra đến hết vai người mặc. Ở các biên vải cổ áo, tay áo, thân áo đều có đường viền màu đỏ. Trong lễ hội hoặc sinh hoạt cộng đồng quan trọng, chiếc áo được trang trí cầu kỳ hơn, đính thêm các chuỗi hạt cườm màu trắng, đỏ xen kẽ nhau, phía lưng áo trang trí nhiều tua bằng chỉ màu đỏ, trắng, gắn các cúc màu trắng, lục lạc để khi mặc nhảy múa phát ra âm thanh. Một kiểu áo khác ít phổ biến hơn, có màu chàm, dài tay, thân áo dài phủ mông, xẻ vạt phía trước, cổ hở rộng xuống ngực. Hai vạt trước được kết với nhau tại một điểm ở dưới ngực bằng sợi vải hoặc gài nút. Hai bên sườn có băng viền nhiều màu, hoa văn đẹp. Áo này thường được đàn ông lớn tuổi dùng khi có lễ cúng hoặc sinh hoạt quan trọng.
Khố: Đàn ông Ba Na đóng khố kiểu chữ T, quấn quanh bụng, luồn qua háng để che phần dưới cơ thể. Sau khi quấn chặt, hai đầu khố được thả tự do xuống phía trước và sau đùi. Tùy vào điều kiện sử dụng của người mặc, khố có chất liệu vải và trang trí khác nhau. Trong sinh hoạt hàng ngày, người đàn ông mặc khố ngắn, màu chàm, không trang trí hoa văn. Vào dịp lễ hội buôn làng thì mặc khố dài, hai đầu khố trang trí hoa văn hình học nhiều màu, có viền đỏ hoặc để tua sợi. Khố có kích thước chiều ngang từ 12cm đến 15cm, chiều dài tùy thuộc vào loại khố và người dùng, có chiếc dài đến 4,5m.
Khăn quấn đầu của nam giới Ba Na có độ dài vào khoảng 1m đến 1,2m, rộng trung bình 0,3m. Có loại màu đen, không hoa văn và loại hoa văn nhiều màu. Khăn được buộc kiểu đầu rìu, quấn qua trán, thắt nút ở phía sau, hai đầu khăn buông xuống vai.