BỘ NHẠC CỤ TRỐNG ĐÔI, CỒNG BA, CHIÊNG NĂM

BỘ NHẠC CỤ TRỐNG ĐÔI, CỒNG BA, CHIÊNG NĂM

  • Trống đôi, cồng ba, chiêng năm là bộ nhạc cụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, nhất là trong những sinh hoạt văn hóa và lễ hội của các dân tộc Chăm, Bana ở tỉnh Phú Yên. Sự hòa quyện của ba loại nhạc cụ này trong âm điệu, tiết tấu và ngôn ngữ hình thể của người diễn tấu đã tạo nên một nghệ thuật trình diễn hết sức độc đáo. Bộ nhạc cụ trống đôi, cồng ba, chiêng năm gồm: 

    Trống đôi: gồm trống đực và trống cái, thân bằng gỗ hình trụ tròn khoét rỗng, hai đầu trống bịt bằng da bò, đường kính mỗi trống 35cm, chiều cao 43cm. Khi trình diễn, người diễn tấu dùng tay tác động vào mặt trống để tạo ra các âm sắc và tiết tấu, đồng thời thực hiện các động tác múa độc đáo nên còn gọi là múa trống đôi. Người diễn tấu phải có sự khéo léo, khả năng thẩm âm tốt, có sức khỏe và sự dẻo dai, bền bỉ để tạo nên những âm thanh mạnh mẽ, tiết tấu linh hoạt.

    Cồng ba: được làm bằng đồng thau, mặt hình tròn có núm ở giữa, kích thước theo thứ tự nhỏ dần: 52cm, 40,5cm, 33,5cm. Cồng được đánh bằng dùi có bộc vải hoặc cao su ở đầu. Trong nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm, mỗi loại nhạc cụ có điệu thức riêng, cồng ba giữ bè trầm, sâu lắng, mượt mà. Cũng giống như múa trống, mỗi người chỉ đánh một chiếc cồng.

    Chiêng năm: được làm bằng đồng thau, mặt tròn phẳng, không có núm, có kích thước theo thứ tự nhỏ dần: 38cm, 35cm, 35cm, 34cm, 29cm. Chiêng được đánh bằng dùi gỗ, có âm thanh ngân xa, thanh thoát. Tùy vào bộ chiêng, người đánh cũng có thể không sử dụng dùi mà đánh trực tiếp bằng tay vào mặt trước hoặc sau của chiêng. Khi trình diễn, mỗi người chỉ đánh một chiếc chiêng.

    Người Chăm, Bana quan niệm cồng, chiêng là vật thiêng liêng, là tài sản quý giá trong mỗi gia đình, dòng họ. Âm thanh của cồng, chiêng là sợi dây kết nối, liên lạc với Yàng (trời) và đấng thần linh. Do vậy, cồng, chiêng không đơn thuần là một thứ nhạc cụ mà có chức năng đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh, sinh hoạt của cộng đồng. Năm 2016, nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của dân tộc Chăm, Bana ở Phú Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hiện vật khác